Mùa Đông ở Sa Pa

Ở độ cao 1.600 mét so với mặt biển, Sa Pa như một Đà Lạt phía tây bắc Tổ quốc. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, Sa Pa đã được người Pháp chọn làm điểm du lịch, với những ngôi biệt thự sang trọng và những con đường lát đá thơ mộng giữa những vườn đào, vườn mận chi chít hoa mỗi độ xuân về. Tuy vậy, du lịch Sa Pa thực sự khởi sắc chỉ sau khi con đường nhựa dài 38 km nối thị xã Lào Cai với phố núi được nâng cấp.
Sa Pa hấp dẫn du khách không chỉ vì cảnh sắc tuyệt đẹp, với những dải mây trắng vấn vít quanh những đỉnh núi màu lam, những rừng cây sa mộc xanh ngắt, những vườn hoa rực rỡ sắc màu, những thác nước tung bọt trắng xoá… mà còn vì sự đa dạng của các cộng đồng dân tộc. Sa Pa có gần 40.000 dân với 6 dân tộc (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xà Pó và Kinh). Mỗi dân tộc có trang phục, lối sống, tập tục, phương thức canh tác…, cùng những bản sắc văn hóa riêng biệt, phong phú và bí ẩn.

Mùa đông ở Sapa


Ấn tượng đầu tiên về một mùa đông Sa Pa là sương mù. Đã hơn 9 giờ sáng. Vậy mà sương vẫn dăng khắp nơi, như một tấm voan mỏng màu xám nhạt, mù mịt trên con đường phía trước, lẩn khuất bên cạnh những hàng thông gai ven đường, lãng đãng trên những khoảng ruộng bậc thang, chờn vờn trên những đỉnh núi…
Con đường từ thị xã Lào Cai lên Sa Pa mù mịt sương. Chỉ cách nhau vài thước đã không nhìn thấy gì. Ánh đèn pha của những chiếc xe máy, xe du lịch, xe tải… qua màn sương, trở nên mờ ảo lạ lùng.

Lên dốc, xuống dốc rồi lại lên dốc, cao hơn, quanh co hơn. Hết men theo những vách núi ngoằn ngoèo lại ngoặt ngay sang những cua ôm gấp gáp. Lên cao, đôi khi thấy tai chợt ù đi, người lọang chọang như đang đi máy bay. Vậy mà, chàng lái xe tên Giàng A Thanh vẫn bình thản vừa xoay tay lái, vừa chuyện trò rôm rả. Cái gạt nước chạy qua chạy lại trước mũi xe, cần mẫn, đều đặn. Không phải để “xua đi nỗi nhớ” mà là gạt những giọt nước li ti đọng lại trên kính. Mặt đường phía trước loang loáng nước, đen thẫm. Tôi hỏi, không giấu được vẻ thất vọng: “Ôi! Đang có mưa à?”. Thanh kéo chiếc cổ áo bludông lên cao, mỉm cười: “Không phải. Sương đấy! Thời tiết nó đỏng đảnh. Mới hôm qua còn nắng rỡ. Trưa nóng chảy mồ hôi. Hôm nay đã lạnh thế này!”.


Thị trấn Sa Pa hiện ra trước mắt với những ngôi nhà thấp thoáng trong sương. Những lâu đài cổ kính bên cạnh những biệt thự hiện đại theo lối kiến trúc phương Tây, dọc theo những con đường quanh co hay chênh vênh trên các triền dốc, sườn đồi. Hai bên đường, những cây sa mu kiêu hãnh, những khu rừng trúc, rừng vầu xanh ngắt trầm tư trong màn sương xám. Những cây mai, cây đào trơ trụi đắm mình trong mưa bụi. Rồi đây, khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân vừa đến, chúng sẽ lại tràn đầy sức sống với những chùm hoa rực rỡ, đẹp đến ngẩn ngơ.
Đến khách sạn, vừa bước xuống xe, những hạt sương bay tới tấp, phủ lên mặt, tê buốt. Thấy tôi co ro, Thanh cười: “Chỉ có 6 độ thôi! Chưa lạnh đâu!”. Quả thật, đối với chàng trai người Dao này, 6 độ chưa nhằm nhò gì.


Vào phòng, nhiệt kế trên tường chỉ 10 độ. Song, khi những cái ống trong chiếc lò sưởi điện từ từ đỏ rực lên, không khí trở nên ấm áp hơn. Thào Thu Song, cô hướng dẫn viên người H’Mông cười thật tươi: “Lò sưởi đã đuổi cái lạnh ra ngoài rồi đó!”.
Trong lất phất sương bay như mưa bụi, tôi thong thả bước trên con đường lát gạch hoa khế dẫn về trung tâm thị trấn. Cứ cách khoảng chục mét lại có những phụ nữ dân tộc đang ngồi bán thổ cẩm. Một chiếc ô che các món hàng (mũ, khăn, bao gối, ví…) cho khỏi ướt. Một chiếc ô khác che bếp than hồng đượm. Người mẹ trẻ Lý Thị Seo vừa hơ tay lên bếp than để ấp đôi chân trần của đứa con gái 4 tháng tuổi, vừa mỉm cười mời tôi mua hàng.
Nhà thờ Sa Pa chìm khuất trong sương mù. Dù đã hơn 100 tuổi (xây dựng năm 1895), nhưng những viên đá hình chữ nhật vẫn vững chãi thách thức thời gian. Trước sân, dưới những bậc tam cấp, nhiều du khách đang quây quần quanh các quán đặc sản nướng của Sa Pa: Khoai lang, khoai từ, sắn, hạt dẻ, trứng gà, trứng vịt lộn, mía… Không chỉ thưởng thức vị ngọt bùi của các món ăn vốn rất bình dân này, khách còn muốn tận hưởng hơi ấm tỏa ra từ những lò than hồng rực. Thật kỳ diệu là ngay giữa Sa Pa lạnh buốt với những cơn gió bấc rú rít từng hồi, những lớp sương mù dày, du khách vẫn có một chỗ trú chân ấm áp và bình yên đến dường này.


Thị trấn nhỏ san sát các quầy hàng với vô số hàng hóa, chủng loại hết sức phong phú và đa dạng. Nhiều nhất là các loại hàng lưu niệm, quần áo ấm, giày dép, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em… Phần lớn các sản phẩm được nhập từ nước láng giềng Trung Quốc. Nhiều sản phẩm chỉ có ở Sa Pa như bộ làm vườn mini (bay, cào, xúc, xẻng) hay xẻng đi rừng đa năng có la bàn, cuốc chim, búa đục, xếp gọn trong cái túi bằng lòng bàn tay. Trong các quầy thuốc dân tộc có nhiều lọai thuốc Bắc, thuốc Nam với những lời giới thiệu ấn tượng: “Rượu bổ ông uống bà khen”, “Thang thuốc cãi lão hoàn đồng”, “Mỹ phẩm làm đẹp của Từ Hi Thái Hậu” v.v…


Dọc hai bên tam cấp xuống chợ Sa Pa là những quầy trang sức bằng bạc (vòng, khuyên, lắc, nút áo v.v…), quầy hoa quả (cam, táo, chuối, mận, lê…) Những chảo bánh rán nhân đậu đang sôi xèo xèo, thơm phức khiến không ít du khách dừng chân. Chỉ một ngàn đồng một cái bánh nếp dẻo quánh, dòn rụm và nóng hổi…
Ngoài các loại hàng hóa thông thường, trong chợ Sa Pa còn có một gian lớn dành cho hàng thổ cẩm (chăn, màn, bọc gối, quần áo, túi xách, ví đầm, khăn tay, tranh thêu) của các dân tộc khác nhau, với nhiều hoa văn và hình trang trí tinh xảo và lạ mắt, đủ loại, đủ màu sắc rực rỡ. Trong nhiều quầy hàng bày bán những bộ trang phục dân tộc cũ, thậm chí, bị sờn rách. Vậy mà, cái giá đưa ra không rẻ: 400-500 ngàn một bộ, trong khi bộ mới chỉ 700-800 ngàn. Cô bán hàng người Dao tên Chảo Lở Mẩy giải thích: “Làm ra một bộ này rất lâu. Phải gần một năm. Tây nó thích mua đồ cũ mà !”. “Lý do?”. Mẩy chỉ vào sợi vải: “Cũ nhưng vải tốt hơn. Dệt nhiều công hơn. Đồ mới nhưng vải thưa, hoa văn thêu máy nên không đẹp bằng thêu tay đâu!”. Ra vậy!

Sapa tuyết rơi


Mùa đông, sương mù, ẩm ướt và lạnh cóng không ngăn được những dòng người cuồn cuộn đổ về Sa Pa. Ngoài khách du lịch và khách Tây, trên đường phố, trong chợ có rất nhiều đồng bào Mông, Dao đỏ, Giáy… Người Mông trắng, Dao đỏ mặc những trang phục có hoa văn sặc sỡ, đầu đội khăn đỏ hoặc khăn hoa nhiều màu. Người Mông đen đội khăn đen, áo đen, quần đen ngắn đến đầu gối, chân quấn xà cạp đen. Người Sa Pó váy hay quần dài, áo ngắn viền những hoa văn trang trí…


Họ đi bán các hàng hóa và hàng thổ cẩm của mình, mua lại những đồ dùng cần thiết. Trong chợ, dọc đường phố, trên vỉa hè, nhiều phụ nữ và trẻ em, tay xách những món hàng lưu niệm như dây đeo di động, vòng bạc, khuyên tai, lắc tay…, ngọng nghịu tiếng kinh với khách ta, xí xa xí xô mời khách Tây.
Tôi đưa máy ảnh, bấm hình một cô bé đang địu sau lưng đứa em (hay con?) đang say sưa ngủ, nó ra điều kiện: “Chụp ảnh là phải mua hàng!”. Thay vì mua những cái vòng bạc của nó, tôi đưa tờ hai ngàn. Nó lắc đầu, bĩu môi: “Chừng đó không mua được cái gì!”.

Thế là đành móc túi, đưa tờ năm ngàn nó mới chịu đi. Anh bạn cùng đoàn nhíu mày, than thở: “Chà! Bọn trẻ con ở đây bây giờ khôn lanh quá! Biết làm tiền rồi đó!”.
Còn những bà già thì bám riết chúng tôi với những lời năn nỉ ngọng nghịu: “Mua giùm đi để hôm nay có tiền ăn cơm!”. Vậy là mua. Trước nhà thờ, mua. Ra phố, mua. Đến chợ, lại gặp. Không biết họ giống nhau hay vẫn là những người đàn bà ấy. Chợt thấy bâng khuâng: Đâu rồi sự chân chất mộc mạc của những người vùng cao?


Song, gạt đi tất cả: mây mù và gió núi, khí lạnh và sương mù, sự “khôn ranh” đang lấn dần cái hồn nhiên của bà con dân tộc…, với tôi, mùa đông Sa Pa vẫn rất đẹp!

Tin Tức Hot