Cây đại thụ linh thiêng và bí mật về ngôi chùa bỏ hoang
Theo một số bô lão ở địa phương, cặp đại thụ này có gốc lớn nhất, hơn 8 vòng tay người ôm mới xuể.Ở giữa gốc có một cái bọng, có thể vừa chỗ ngồi cho 4 người lớn. Điều đặc biệt là trên thân cây đại thụ còn in dấu móng cọp vồ.Liên quan đến móng cọp, cũng có nhiều giai thoại ly kỳ về gia đình cọp trắng đã chọn bọng cây đại thụ để làm nơi trú ẩn, tu luyện.
Hàng ngày, gia đình cọp ẩn trong bọng cây nghe kinh phật, đêm đến mò ra ngoài kiếm ăn. Đến khi cọp cái đến thời kỳ sinh nở, một bà mụ trong vùng đang nằm ngủ trưa thì bị cọp đực lẻn vào tận nhà vồ đem về hang cây.
Khi tỉnh dậy, bà mụ sợ khiếp vía, vì nghĩ rằng mình sẽ làm mồi cho lũ cọp. Nhưng không, cọp đực tha bà mụ đến gần cọp cái và ngồi bên cạnh nhìn bà như van xin.
Lúc này bà mụ nhìn thấy cọp cái đang nằm thở khó nhọc với bụng đang mang bầu đến kì sinh nở. Biết là cọp cái đang đau bụng đẻ, bà mụ liền ra tay đỡ đẻ. Biết ơn, cọp đực không ăn thịt mà thả cho bà mụ về.
Ngày xưa, vùng đất này còn hoang sơ nên có rất nhiều thú dữ. Khi đi rừng hay đêm xuống, người dân sợ nhất là bị cọp vồ, bắt ăn thịt.Để trấn an dân lành, có một võ sư đã quyết tâm dùng thân mình để làm mồi nhử cọp. Ông đã dùng cây rừng làm một cái rọ để bẫy cọp và tự mình chui vào đó làm mồi nhử. Khi đêm đến, ngửi thấy mùi thịt người, cọp liền mò đến và bị sụp bẩy của ông.
Đang loay hoay lột da cọp, bất thần một con cọp khác nhảy vào tấn công và giết chết ông. Một thời gian sau, người ta thấy một thủ cấp của ông nằm lăn lóc gần cây cầu, nơi ông đặt rọ bẫy cọp. Để tưởng nhớ võ sư này, người dân đã đặt tên cây cầu ấy là cầu Ông rọ và lập miếu thờ Ông rọ. Nhưng theo thời gian, ngôi miếu ấy đã không còn.
Cách đó khoảng 2 km là sự hiện diện của ngôi chùa Bàu Đưng. Và chùa Bàu Đưng cũng có nhiều truyền thuyết liên quan đến cọp.Ông Bảy, một người dân địa phương cho biết: “Câu chuyện về bà mụ bị cọp tha về hang đỡ đẻ đã được nghe ông bà xưa kể lại rất nhiều, nhưng chưa có ai xác tín được bao nhiêu. Nhưng hiện nay, ở trên thân cây đại thụ còn nhiều vết móng cọp.
Thuở ấy, người dân tin là có gia đình cọp tu luyện nơi bọng đại thụ nên đã lập am để cúng tế heo, gà và mong cọp đừng hại dân làng.Sau một thời gian, người ta không còn nhìn thấy gia đình cọp nữa. Mọi người đồn đoán rằng, có lẽ gia đình cọp trắng đã tu luyện đắc đạo và về trời.
Sau đó, cái am được trùng tu vừa thờ cúng cọp thần, vừa thờ thêm ngũ vị nương nương”.Một số người dân cho biết, một thời gian sau, trong bọng cây đại thụ ấy bỗng xuất hiện một cặp rắn to dài và một con tắc kè.Không hiểu sao, hai loài vật này lại sống hòa bình trong bọng cây ấy. Có lần, một số thanh niên đến bọng cây bắt tắc kè liền bị cặp rắn xông ra tấn công, khiến cả đám thất kinh và không dám bén mãng đến cây đại thụ ấy nữa.
Nghe đồn sau này, cặp rắn đã bò vào chánh điện của chùa và ở ẩn đến ngày nay.Bí mật ngôi chùa cổ Xét về mặt kiến trúc, ngôi chùa cổ Bàu Đưng không hề được chạm khắc tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng nên vẻ bề ngoài trông như một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Có thể do vẻ bề ngoài quá bình dị nên người ta không chú ý nhiều đến ngôi cổ tự này.
Nhưng theo quan sát của chúng tôi, phía trong ngôi cổ tự có một bức tượng Phật cổ rất quý giá, giống như những bức tượng cổ Amaraviti (mang đậm nét điêu khắc Ấn Độ).Theo sử sách ghi lại, những bức tượng dạng này được tìm thấy khi khai quật di chỉ. Hiện nay, tượng cổ pha trộn giữa văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ với Phật giáo Champa này chỉ còn xót lại ở một ngôi chùa tận Quảng Nam.
Điểm đặc biệt của tượng phật ở chùa Bàu Đưng là được chạm bằng chất liệu gỗ và xuất hiện từ thời mới thành lập chùa.Cách nay hơn 29 năm, cũng ở khu vực gần chùa, các nhà khảo cổ học đã khai quật được di chỉ Óc Eo.Theo ông Phạm Văn Phước - Giám tự chùa, rất có khả năng tượng Phật quý này có liên quan mật thiết đến di chỉ được khai quật trong vùng !
Cách nay 200 năm, ông Phạm Văn Thậm (tức ông cố của Giám tự chùa hiện tại) đã mua một vuông đất của một nhà sư.Trên miếng đất đó đã có sẵn một ngôi chùa đơn sơ bằng tre lá, cạnh đó đã có 2 gốc đại thụ và cả bức tượng Phật bằng gỗ ấy.Sau đó, ông Thậm tiếp tục là người hương khói, chăm lo cho ngôi chùa này và tiếp tục truyền lại cho các đời con, cháu.
Thời chiến tranh, ngôi chùa này luôn bị pháo kích nên người dân trong vùng không dám đến cúng viếng nhiều, vì thế ngôi chùa trở nên hoang vắng, cô quạnh.Năm 1960, ông Thích Bửu Châu (anh ruột ông Phước) là người đã từng đi tu học ở Pháp đã về chùa này làm trụ trì. Trong thời điểm ấy, ngôi chùa này cũng là cơ sở bí mật cho Cách mạng hoạt động.
Vì vậy, tại khu vực nghĩa địa của chùa vẫn còn nhiều nấm mồ của những người tham gia kháng chiến.Đến năm 2000, sư Thích Bửu Châu qua đời và ông Phước lên làm Giám tự cho đến ngày nay.
Dù tồn tại hơn 400 năm nay và có công che giấu Cách mạng nhưng đến nay, ngôi cổ tự này vẫn là ngôi chùa hoang, liêu tịch. Nhưng với người dân địa phương thì họ xem ngôi chùa và 2 cây đại thụ là nơi linh thiêng để gởi gắm niềm tin về sự tín ngưỡng.Mỗi khi gặp điều gì bất trắc, hay rủi ro phiền muộn, họ hay tìm đến ngôi chùa hoặc đứng trước 2 cây đại thụ để khấn vái, mong Phật trời linh thiêng phù độ.