Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam - Vùng duyên hải Nam Trung Bộ

Ðây là lợi thế để các địa phương trong vùng có thể khai thác trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Trong định hướng ưu tiên phát triển du lịch văn hóa - sinh thái của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua Chương trình Hành động quốc gia về du lịch, giúp nâng cấp hạ tầng cơ sở, hoạt động phát triển du lịch nói chung, du lịch văn hóa nói riêng ở vùng DHNTB đã có cơ hội lan tỏa,  làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, song cuộc sống của người dân, nhất là cộng đồng thiểu số, còn nhiều khó khăn. Riêng lượng khách quốc tế đến khu vực hằng năm trung bình chiếm khoảng 16% so với lượng khách quốc tế đến Việt Nam và thu nhập từ du lịch tương đương 10% thu nhập từ du lịch của cả nước. Kết quả hoạt động của những mô hình về phát triển du lịch văn hóa ở Hội An (Quảng Nam), Bàu Trúc (Phú Yên), v.v đã minh chứng cụ thể cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa truyền thống và xóa đói, giảm nghèo thông qua phát triển du lịch. Ở một số điểm du lịch văn hóa, hoạt động du lịch đã có những hỗ trợ tích cực về vật chất đóng góp cho công tác bảo tồn mà Hội An là một thí dụ. Ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích 55% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ và đã có những ngôi nhà cổ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí này.

 Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mức độ phát triển về du lịch ở những điểm du lịch văn hóa ở vùng DHNTB có sự khác biệt. Hoạt động phát triển du lịch cũng đang khiến các giá trị văn hóa ở những điểm này chịu 'sức ép' ngày một tăng với hệ quả tác động là tình trạng xuống cấp của các giá trị văn hóa, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn di sản đã được đưa ra tại Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới  và Luật Di sản văn hóa. Những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến bảo tồn các giá trị di sản thể hiện rõ ở tình trạng biến đổi cảnh quan, lấy trộm các bảo vật, tác động vật lý lên di tích, ô nhiễm môi trường quanh di tích, sân khấu và thương mại hóa các giá trị văn hóa phi vật thể, v.v. Thực trạng này diễn ra ở nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, thậm chí ở nhiều điểm di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam nói chung và ở vùng DHNTB nói riêng. Ðể hạn chế những tác động tiêu cực trên, ở một số khu di sản đã xây dựng những quy định cụ thể về quản lý hoạt động du lịch và cơ chế gắn du lịch với bảo tồn. Tuy nhiên hiện vẫn có sự khác biệt khá lớn về vấn đề này trong hoạt động du lịch ở các điểm di sản văn hóa. Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch gắn với công tác bảo tồn không đồng nhất ở những khu vực di sản khác nhau, thể hiện sự thiếu thống nhất trong nhận thức đối với công tác quản lý nhà nước trong phát triển du lịch ở các khu vực di sản.

Thực trạng trên đang đòi hỏi ngành du lịch phải có những định hướng phát triển rõ ràng căn cứ vào Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày một đầy đủ của du lịch nước ta với khu vực và quốc tế, tăng cường phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại các điểm di tích lịch sử văn hóa ở vùng DHNTB. Trong đó cần khai thác có hiệu quả các giá trị các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách. Hiện tại, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch vùng DHNTB nói riêng là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong trường hợp này, bản thân các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới là những tài nguyên du lịch có giá trị. Vấn đề là cần có quy hoạch và đầu tư hợp lý để biến những giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch. Sự tăng trưởng về khách du lịch đến các điểm di sản sẽ đồng nghĩa với việc những giá trị di sản này sẽ càng được phát huy.

 Phát triển du lịch di sản văn hóa tại DHNTB gắn chặt với phát triển cộng đồng bởi đây là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa. Trong nhiều trường hợp, cộng đồng chính là linh hồn, là tâm điểm của di sản và lợi ích có được từ du lịch di sản phải được chia sẻ với cộng đồng. Trong trường hợp này, cộng đồng sẽ là nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên quê hương của họ. Mặt khác phát triển du lịch vùng phải gắn với phát triển du lịch quốc gia và khu vực. Có như vậy mới phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới ở vùng DHNTB thông qua hoạt động xúc tiến du lịch văn hóa và sự hợp tác với các vùng lãnh thổ khác và rộng hơn là với khu vực. Ðiều này mang ý nghĩa quan trọng vì sự hợp tác trước hết sẽ tạo ra các tuyến du lịch văn hóa có tính liên vùng và khu vực như tuyến du lịch di sản miền trung, tuyến du lịch di sản Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), tuyến du lịch di sản Hành lang Ðông Tây (WEC), v.v. Ðể các ý tưởng gắn kết du lịch di sản vùng DHNTB đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các địa phương trong vùng thông qua một số chương trình cụ thể. Việc quảng bá và phát triển các chương trình này chính là phương thức phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa ở vùng DHNTB.

 Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cần nằm trong quy hoạch phát triển du lịch. Trong đó, các cơ quan chức năng và ngành du lịch cần quan tâm hơn đến quy hoạch tổ chức không gian du lịch vùng DHNTB phù hợp với Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và các quy định pháp lý được quy định trong các Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và các luật có liên quan. Quản lý 'sức chứa' phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường du lịch và quản lý tác động của hoạt động du lịch căn cứ báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu vực di tích, đặc biệt là di sản thế giới. Ngoài ra, phải có quy định cụ thể tỷ lệ đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo tồn các giá trị di sản từ thu nhập du lịch.   

Một điểm quan trọng là hoạt động du lịch cần có sự chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương, qua đó nên có sự hỗ trợ vật chất từ thu nhập du lịch để cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng được tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch tại các khu di sản. Ðiều này sẽ góp phần hạn chế đáng kể 'sức ép' của cộng đồng lên các giá trị di sản đồng thời sẽ khuyến khích họ trở thành chủ nhân thật sự đóng góp vào nỗ lực chung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở vùng DHNTB nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

PGS, TS PHẠM TRUNG LƯƠNG

Theo (nguồn: nhandan)

Tin Tức Hot