Đẩy mạnh tiềm năng du lịch Đắk Lắk
Tiềm năng và những tín hiệu vui
Sáu tháng năm 2011, doanh thu ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk đạt 120 tỷ đồng. Đây là số tiền “kỷ lục” từ trước đến nay mà ngành du lịch Đắk Lắk đạt được.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong sáu tháng qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi do có dịp nghỉ Tết, lễ kéo dài và tỉnh tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III năm 2011 nên số lượng khách đến địa bàn, công suất sử dụng buồng, phòng tăng khá.
Với vị thế là trung tâm của khu vực Tây Nguyên, trong 5 năm qua, doanh thu của ngành du lịch Đắk Lắk năm sau luôn cao hơn năm trước. Đó là kết quả của việc quan tâm đầu tư hơn trong lĩnh vực du lịch.
Hệ thống giao thông như các Quốc lộ 14, 25, 26, 27, sân bay Buôn Ma Thuột… ngày càng được hoàn thiện; hệ thống nhà hàng, khác sạn đáp ứng các nhu cầu cho du khách là việc ra đời của hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng với các loại hình du lịch được tổ chức phong phú hơn đã kéo lượng du khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk ngày càng nhiều hơn.
Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho Đắk Lắk có tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ như thác Gia Long (thác Dray Sáp thượng), thác Krông Kmar, thác Thủy Tiên, thác Bảy Nhánh, thác Dray Nur, thác Dray Nao, thác Suối mơ..., nhiều hồ lớn và đẹp như hồ Lăk, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Đăk Minh, hồ Ea Nhái..., các khu rừng nguyên sinh: vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin, khu lâm viên Ea Kao...
Thêm vào đó, Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 44 dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử.
Với đàn voi rừng hơn 50 con đã được thuần dưỡng phục vụ đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và phục vụ khách du lịch. Hiện nay, Đắk Lắk đã có 10 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa được công nhận là di tích Quốc gia, trên 70 di tích phân bổ đều khắp địa bàn toàn tỉnh.
Mới chỉ có “cốt”, chưa có “hồn”
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì ngành du lịch Đắk Lắk vẫn đang ở tình trạng kém phát triển. Mặc dù tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển du lịch với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư cho các khu du lịch cũng đã được hình thành để triển khai đầu tư và tiếp tục kêu gọi đầu tư. Nhưng trên thực tế, trong thời gian qua việc đầu tư cho ngành du lịch ở Đắk Lắk chỉ tập trung chủ yếu vào hệ thống nhà hàng, khách sạn ở Thành phố Buôn Ma Thuột.
Còn sản phẩm du lịch - yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút du khách - vẫn chưa được đầu tư xứng tầm. Ngoài “đặc sản” cưỡi voi, thì sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, các doanh nghiệp làm du lịch vẫn chưa tạo được sản phẩm nào hấp dẫn, mang đậm bản sắc của Đắk Lắk.
Các sản phẩm du lịch khác như cồng chiêng, đi thuyền độc mộc, ăn cơm lam, uống rượu cần na ná giống với các tỉnh khác trong khu vực nên không tạo được sức hấp dẫn cho du khách. Sản phẩm đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ vẫn dừng lại ở những chủng loại “phổ cập” của cả nước nên không thu hút du khách.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Đắk Lắk vẫn trong tình trạng “ăn xổi” khi chỉ chăm chăm khai thác những gì thiên nhiên ban tặng cho vùng đất trù phú này. Các dự án trọng điểm của du lịch Đắk Lắk được đầu tư theo kiểu “đầu voi đuôi chuột,” èo uột; nhiều dự án do đầu tư không đến nơi đến chốn đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách.
Trong khi đó, nhiều di tích, thắng cảnh cấp quốc gia đang trong tình trạng bị lãng quên hoặc xuống cấp trầm trọng mà chưa phát huy được tiềm năng như tháp Chăm Yang Prong, thác Thủy Tiên… Các danh lam, thắng cảnh khác chưa được chú trọng đầu tư tôn tạo cảnh quan. Thậm chí rừng phòng hộ, cảnh quan của các thắng cảnh thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, rác thải tràn ngập khiến danh thắng bị biến dạng. Nhiều dự án du lịch được cấp phép sau nhiều năm vẫn là một vùng đất hoang vu…
Các điểm du lịch được đánh giá là “nổi tiếng” của Đắk Lắk như Bản Đôn, hồ Lắk… chỉ đông khách vào các dịp lễ, tết và chưa thể giữ chân nổi du khách quá nửa ngày, trong khi các đơn vị làm du lịch chưa thật sự nhạy bén trong quảng bá, thu hút khách.
Đàn voi nhà hơn 50 con còn lại cũng đang ở trong tình trạng bị khai thác quá mức nhưng chưa có biện pháp chăm sóc, bảo tồn đúng cách, khiến sản phẩm du lịch độc đáo nhất của Đắk Lắk đang có nguy cơ biến mất. Những hạn chế này khiến du khách đã đến Đắk Lắk rồi không còn muốn quay lại lần thứ 2.
Những hạn chế này khiến du lịch Đắk Lắk chưa phát triển bền vững và chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cho dù tiềm năng là rất lớn./.