Hòn Bà - Du Lịch Nha Trang
Đứng từ bờ biển Tân Bình phóng tầm nhìn ra biển Đông khoảng 2 km, Hòn Bà như trơ vơ giữa biển nhưng không kém phần thách đố trước sóng biển, giông tố của đại dương mênh mông. Cả hòn đảo gần như phủ kín màu xanh của các loại cây cổ thụ có nhiều năm tuổi, khẳng định một sức sống mãnh liệt mà thiên nhiên đã ưu đãi và tạo nên một bức tranh thủy mặc quyến rũ, thơ mộng và đầy thách thức đối với con người.
Đến với Hòn Bà, du khách sẽ được thưởng ngoạn bầu không khí trong lành, mát mẻ, yên tĩnh và phóng tầm nhìn bao quanh cả dải đất liền rộng lớn từ cửa La Gi đến mũi Khê Gà. Thiên nhiên hoang sơ, sóng biển vỗ nhịp đều sẽ làm quên đi những mệt mỏi, căng thẳng và âu lo trong cuộc sống đời thường sau những ngày làm việc mệt nhọc. Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh, du khách còn có thể đi du thuyền quanh đảo đề câu cá và khám phá những ghềnh đá, mỏm đá nhô lên, thụt xuống xen lẫn với từng đợt sóng vỗ tạo nên những bông hoa biển và những giai điệu vui nhộn.
Trên đỉnh đảo còn đền thờ nữ thần Thiên Ya Na (Pô Inư Nagar), một vị nữ thần linh thiêng với nhiều truyền thuyết tín ngưỡng. đền thờ Thiên Ya Na tọa lạc trên đỉnh của đảo bà có cao độ 49 m so với mực nước biển trung bình và được tạo dựng vào khoảng thế kỷ 15-16. Đến những năm 50 của thế kỷ 20 Mỹ cho ném bom xuống Hòn Bà làm sập ngôi đền thờ bằng gỗ và đến năm 1989 nhân dân địa phương mới xây dựng lại ngôi đền tường vôi như hiện nay.
Tổng thể kiến trúc di tích đền thờ Thiên Ya Na ở Hòn Bà bao gồm các hạng mục: Chính điện, Võ Ca, gian thờ Chúa Chàng Râu, nhà khách, nhà khói và một số hạng mục phụ cận khác. Chính điện được kiến tạo hai tầng mái, tầng mái dưới tỏa rộng ra 4 hướng và tầng mái trên thu nhỏ vút cao lên như hình dáng một ngôi tháp Chăm. Đặc biệt, ở trung tâm nội thất Chính điện đặt một khám thờ Thiên Ya Na, bên trên thờ một pho tượng bằng đá xanh cao 60 cm, ngang 35m.
Theo người dân địa phương, pho tượng Thiên Ya Na được các nghệ nhân ngày trước tạc trực tiếp trên tảng đá nguyên sinh ở đỉnh Hòn Bà, phần chân của pho tượng kết nối trực tiếp với khối đá lớn bên dưới. Tượng được tạc xong, sau này mới xây đền thờ để che mưa nắng.
Tế lễ chính tại đền thờ Thiên Ya Na diễn ra và kéo dài trong 3 ngày từ ngày 21-23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong những ngày diễn ra tế lễ hầu như cả hòn đảo chật cứng, người tấp nập lên xuống và quanh chân hòn đảo hàng trăm ghe thuyền neo đậu. Nhân dân địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận tề tựu về đây cùng có chung mục đích chiêm bái, thỉnh nguyện Thiên Ya Na phù trợ được an lành, cuộc sống mưu sinh, lao động trên biển của họ được thuận buồm, xuôi gió và đánh bắt được nhiều tôm cá. Bên cạnh niềm tin tín ngưỡng, những người đến đây gần như hòa vào không khí của lễ hội, họ cùng nhau trò chuyện, thăm hỏi và cùng ca hát, biểu diễn những điệu múa dân gian suốt đêm trong thời gian diễn ra lễ hội tại đảo.