Khách Tây kể chuyện nhà sư Thái Lan xăm huyền thuật trong chùa

Matthew Karsten là một blogger du lịch, chủ trang web Expert Vagabond. Năm 2010, anh quyết định bỏ việc, chia tay bạn gái và bán tất cả tài sản của mình để bắt đầu hành trình khám phá thế giới từ Guatemala. Trong hành trình, Matt ghé thăm Thái Lan và có trải nghiệm đáng nhớ với hình xăm huyền thuật (xăm phép) sak yant của đất nước chùa vàng. 

Matt cho biết Sak Yant (còn được gọi là Yantra) có lịch sử phát triển gần 2.000 năm. Thời đó, nhiều vị sư từng xăm Sak Yant cho các chiến binh để giúp họ được đấng bề trên bảo hộ, ban sức mạnh trong trận chiến. Những người lính thời xưa luôn phủ kín cơ thể họ với các hình xăm huyền thuật này để tránh đao gươm và tên bắn trúng. Cấu trúc của Sak Yant là những thiết kế hình học, động vật và thần linh kèm theo một số dòng chú được viết bằng tiếng Phạn.

Những hình xăm này có thể ban phước lành, thu hút năng lượng, bảo vệ tính mạng, tài sản và nhiều lợi ích cho người mang chúng. Khởi nguồn từ Ấn Độ, hiện nay Sak Yant trở nên phổ biến tại Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan. 

Đối với Matt, đây là lần đầu tiên anh đi xăm nên muốn hình xăm đó phải thật đặc biệt. Khi tìm hiểu về những hình xăm phép, chàng du khách rất tò mò. Những bậc tăng chỉ dùng một cây kim dài hoặc một thanh tre vót nhọn để bắt đầu xăm hình.  Họ cũng chọn vị trí xăm và hình xăm hợp với khí sắc toát ra từ người các vị khách.

Đền Wat Bang Phra là nơi nhiều người tìm đến xăm sak yant. Ảnh: Expert Vagabond.

Theo Matt tìm hiểu, đền thờ Wat Bang Phra là nơi tốt nhất để du khách được các nhà sư xăm phép, ngôi đền nằm cách trung tâm Bangkok 40 phút đi xe về phía Tây. Từ hàng trăm năm qua, người dân địa phương đã tìm đến nơi linh thiêng này để in dấu trên thân thể những hình xăm huyền thuật.

Wat Bang Phra là một ngôi đền lộng lẫy với hàng hàng lối lối những bức tượng trang trí đầy màu sắc. Matt mua lễ vật tại cổng đền, gồm một nhành phong lan, một thẻ hương và một bao thuốc lá có giá 75 baht (khoảng 46.000 đồng). Mọi người đến Wat Bang Phra xăm hình đều mua hương hoa bán sẵn để dâng tới vị tăng sẽ hành lễ. Những vật phẩm này sẽ được sử dụng quay vòng, số tiền bán được đưa vào hòm công đức. Sau đó, anh được một ông cụ dẫn về hướng tòa nhà nơi vị tăng đang làm lễ xăm hình. Matt được đưa vào một căn phòng tối đặt đầy những tượng Phật dát vàng, trên tường treo ảnh vua Rama đệ IX và những vị sư lớn tuổi.

Có lẽ Matt không phải người duy nhất đến xăm hình hôm nay. Sư thầy Luang Pi Nunn luôn được nhiều người tin tưởng nhờ cậy, mỗi ngày ông thường vẽ khoảng 50 hình xăm Sak Yant. Nếu không đến sớm, bạn sẽ không tới lượt. Trong lúc chờ đợi, Matt được xem thầy Luang xăm cho rất nhiều người.

Không khí phả lên nóng nực giữa khoảng 30 đến 40 con người bên trong. Ảnh: Expert Vagabond.

Theo Matt, tính an toàn của xăm Sak Yant là một vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù kim xăm được lau bằng khăn thấm cồn hoặc nhúng vào một lọ cồn sau mỗi hình xăm, nhưng mực xăm được dùng chung và máu của mọi người có thể hòa với dung dịch này. Do đó khả năng lây nhiễm HIV hoặc virus viêm gan là hoàn toàn có thể xảy ra, dù chưa có số liệu thống kê nào về vấn đề này. Anh thoáng đắn đo trong lúc chờ đợi.

Cuối cùng cũng đến lượt Matt, anh cởi áo và chắp tay cúi đầu 3 lần trước thầy Luang rồi ngồi quay lưng lại, anh không biết mình sẽ nhận được hình xăm như thế nào. Anh chia sẻ rằng đôi khi các sư thầy sẽ từ chối xăm phép cho những người không có thái độ nghiêm túc.

Khi kim xăm đâm vào da Matt lần đầu tiên, anh cảm thấy như bị ong đốt. Tiếp đó, cơn đau dồn đến như thể cả đàn ong đang lao vào tấn công anh. Người Matt căng lên, mồ hôi túa ra. Anh ép chặt chiếc gối đặt dưới đùi và cố gắng tỏ ra cứng rắn trước ánh mắt chăm chú của 40 người bản địa đang dõi theo từng biểu cảm của vị khách nước ngoài. Nhưng Matt ngạc nhiên rằng kim xăm không gây đau đớn nhiều như anh nghĩ, anh đã tưởng tượng ra cảnh mình sẽ rớm lệ hay tệ hơn là ngất đi giữa căn phòng toàn người lạ. Chỉ 10 phút sau khi cả ngàn lần kim xăm đâm xuống da thịt, Matt đã có một hình Sak Yant trên lưng. Tuy nhiên, để hoàn tất, thầy Luang phải niệm đoạn chú và phù phép hình xăm này để nó có thể hộ mạng cho Matt.

Thầy Luang đang xăm cho Matt. Mỗi vị sư có một công thức pha chế mực xăm riêng. Người ta cho rằng mực xăm thường có than Trung Quốc, nọc rắn, dầu cọ và đôi khi là một phần tro cốt của người chết. Ảnh: Expert Vagabond

Hình xăm trên lưng Matt có tên gọi là Gao Yord (9 ngọn tháp). 9 ngọn tháp là hiện thân của 9 đỉnh trên núi Tu Di, một ngọn núi huyền thoại trong Phật giáo và được coi là trung tâm của vũ trụ trong đạo Hindu. Trên mỗi đỉnh là một vị tiểu Phật tọa, 9 vòng xoắn bên dưới chính là những con đường giác ngộ. Trong mỗi ô vuông nhỏ xếp chồng phía dưới là các ký tự tiếng Phạn viết thành câu chú, được lặp lại đối xứng hai bên có nội dung: Gu Ti Gu Ya Tha Saa Wae Taa Saa Gu - Gu Gu Ti Saa Tha Ya Gu Saa Taa Wae. 

Anh rất phấn khích với hình xăm mới bởi đây thực sự là một trải nghiệm khó quên. Không chỉ thế, anh đã có một món quà lưu niệm của đất nước chùa vàng mãi mãi in dấu trên lưng mình.

Nguồn: dulich.vnexpress.net

Tin Tức Hot