Kỳ lạ nước biển biến thành bọt cà phê Capuchino
Lần mới đây nhất, mọi người có cơ hội chơi đùa trong thế giới “bọt biển” là vào tháng 8/2007, tại bãi biển Yamba, New South Wales (Australia). Trước đó, “bọt biển” cũng đã từng xuất hiện tại Cape Town, Nam Phi.
Vì sao lại xảy ra hiện tượng lạ lùng này? Lượng lớn bọt có màu cà phê sữa xâm chiếm hết toàn bộ diện tích bãi biển, đó là hậu quả để lại sau khi những đợt thủy triều trộn tung nước biển với các chất thải, sinh vật phù du, cá chết và cây trôi nổi trên mặt nước biển. Với sức mạnh đánh bông nước biển cực lớn của thủy triều, khiến nước biển hòa lẫn với chất thải và trở thành bọt rồi theo những con sóng trôi dạt vào các bờ biển.
Trong khi đó, phía xa ngoài khơi, tốc độ của gió sẽ có tính chất quyết định tới số lượng bọt được hình thành trên những đầu con sóng chuẩn bị dạt vào bờ. Các nhà khoa học cho rằng, nếu tốc độ của gió ở mức lớn hơn 6m/giây thì năng lượng được chuyển từ gió vào mặt nước sẽ mạnh mẽ hơn. Khi đó, tính căng của bề mặt nước không đủ mạnh để giữ liên kết giữa các phân tử nước. Nước sẽ bị vỡ ra thành từng giọt nhỏ và rồi lại liên kết với nhau. Sau đó, sóng sẽ kết hợp hoàn hảo với bọt trắng.
Về nguyên nhân sâu xa, “thủ phạm” chính gây nên hiện tượng bọt biển chính là những cơn bão mang trong mình sức mạnh khủng khiếp. Chúng trộn tung nước biển lại với nhau, trong quá trình này có sự tham gia của không khí để hình thành ra bọt biển. Những đám bong bóng này được tạo nên một phần là cũng có sự tham gia của chất thải, chất hóa học và các sinh vật chết trên biển.
Số lượng bọt biển tràn về bãi biển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như địa hình bờ biển, tốc độ gió và điều kiện thời tiết. Các chuyên gia thuộc Đại học Griffith (Australia) tin rằng hình dạng của những con sóng cũng tạo ra những khối bọt khác nhau.
Cụ thể, sau hơn 30 năm “ẩn mình”, hiện tượng “bọt biển cà phê Capuchino” đã xâm chiếm hoàn toàn bờ biển Yamba và cao tới quá nửa các tòa nhà gần bờ biển. Được biết, hiện tượng này hình thành từ ngoài khơi, cách đất liền hơn 48km.